|   
Đăng nhập thành viên
Thống kê truy cập

Trang chủ

Những điểm mới của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015

Đăng ngày: 05-03-2016, 08:03:41
TTĐT - Hướng tới cuộc bầu cử Quốc hội (QH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, để phục vụ công tác tuyên truyền pháp luật, Cổng thông tin điện tử tỉnh đã phỏng vấn đồng chí Bùi Hữu Toàn (ảnh) – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương về những điểm mới của Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015.

 

Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa cuộc bầu cử lần này?

 

Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong QH và HĐND là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

 

Cuộc bầu cử lần này, lần đầu tiên áp dụng Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015. Xin đồng chí cho biết, Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND hiện hành có gì mới?

 

 So với Luật cũ, Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015 có một số điểm mới là:

- Thứ nhất, quy định quyền quyết định ngày bầu cử đại biểu QH, bầu cử đại biểu HĐND các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu QH trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia là thẩm quyền của QH thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội như trước đây. Và Luật cũng định ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử thay vì 105 ngày như trước đây. Việc quy định tăng thêm 10 ngày tạo điều kiện về thời thời gian để chuẩn bị và tiến hành trình tự bầu cử thuận lợi hơn, nhất là đảm bảo các bước trong quy trình hiệp thương được tốt hơn.

 

- Thứ hai, Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định cụ thể số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu QH do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất là 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH là người dân tộc thiểu số. Và số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu QH do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ (Luật cũ không quy định cụ thể tỷ lệ này).

 

- Thứ ba, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về Hội đồng Bầu cử quốc gia, Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định Hội đồng bầu cử quốc gia do QH thành lập (Luật cũ gọi là Hội đồng bầu cử ở Trung ương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập), có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu QH, chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử HĐND các cấp .

 

- Thứ tư, Luật 2015 quy định cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu QH và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 

Tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND là vấn đề được cử tri rất quan tâm. Đồng chí có thể cho biết có những quy định gì về tiêu chuẩn người ứng cử?

Tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu QH được quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội, còn tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu HĐND được quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Trong đó các yêu cầu chung đó là:

 

1. Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

 

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội và HĐND.

 

4. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Xin cảm ơn đồng chí!

 

Nguồn: http://www.binhduong.gov.vn/

Tag:
Xem kết quả: / 0
Bình thường Tuyệt vời
Ý kiến bạn đọc
Chia sẻ ý kiến
captcha
Nội dung:

Tin đọc nhiều
Lịch làm việc Đảng ủy
Lịch làm việc UBND
Văn bản QPPL
Văn bản hành chính